Tăng lương và chuyện cái chăn đã ngắn lại hẹp…

Posted on Tin tức 247 Views
Tăng lương tối thiểu lên bao nhiêu là chuyện mấy tuần nay được đem ra bàn bạc, tranh cãi, chủ yếu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện cho người sử dụng lao động (giới chủ) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – đại diện cho người lao động.

Họ, với những lợi ích có phần đối kháng, đã tranh luận không khoan nhượng. Nhìn nhận và chia sẻ khó khăn với người lao động song đại diện cho người sử dụng lao động là VCCI chỉ đề xuất mức tăng là 5%.

Lý do VCCI đưa ra là hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nếu mức lương tối thiểu tăng cao sẽ kéo theo các chi phí khác như BHXH, BHYT cũng tăng theo, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, sáng 2/8, trước khi vào họp nói rằng, tùy vào tình hình thương lượng tại cuộc họp sẽ tính toán, tuy nhiên, Tổng LĐLĐ không bao giờ chấp nhận với mức đề xuất tăng lương chỉ 5% mà phía VCCI đưa ra ở phiên thương lượng trước tại Hải Phòng.

 

 

Sau khi họp 2 phiên tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đi đến thống nhất chọn phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016 (Phương án này được 13/14 thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất thông qua). Như Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đánh giá, chỉ đáp ứng được 90% mức sống tối thiểu của người lao động.

Một lần nữa, quan niệm “hạnh phúc là cái chăn vừa ngắn vừa hẹp, lại còn rách” đã được chứng minh

Việc công nhân lương thấp thì không phải là một phát hiện mới mẻ, kỳ vĩ hay lớn lao gì. Nó là chuyện chình ình giữa đường, trắng phớ như ban ngày mà “tôi biết, anh chị biết, nó biết”, tức là ai cũng biết thừa, biết tỏng

Lương thấp, không đủ để chi tiêu, trang trải cho những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hằng ngày, thì chắc chắn sẽ không thể làm việc và cống hiến cho xã hội ở mức bình thường được. Quy luật hiển nhiên này được các học giả tìm ra đã lâu.
Công nhân, thành phần chính yếu trong chuỗi sản xuất là những người luôn phải chịu các thứ tệ nhất.

Dù mọi phương án trong hoạt động của bất kỳ doanh nghiệp nào, cũng đều phải hướng về họ, từ tăng doanh số, tăng năng suất cho tới chất lượng sản phẩm. Nhưng những gì họ nhận lại chỉ là một mức lương bèo bọt cùng bữa cơm giữa ca hẩm hiu, mà cũng chưa chắc đã thực sự vệ sinh.

Nếu có thể, một chương trình truyền hình thực tế nào đó hãy mời những người đã ngồi họp ở Tam Đảo kia, đặc biệt là đại diện của VCCI, thử sống một tháng với mức lương tối thiểu đúng như họ đã đề nghị, xem họ cảm xúc và chịu đựng ra sao?

(theo nongnghiep.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *