Tại buổi họp báo công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015 (tiến độ tài chính ngân sách 2014) diễn ra sáng nay -26/8, đại diện Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã cung cấp những thông tin khiến nhiều người “giật mình”.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố sáng 26/8 cho biết, một số tập đoàn, tổng công ty thực hiện mua sắm ô tô vượt mức cho phép cả tỷ đồng. Theo đó, qua kiểm toán, các khoản thuế và các khoản phải nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty được điều chỉnh tăng 6.220 tỷ đồng.

Tập đoàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phải nộp thêm 4.562,81 tỷ đồng

Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phải nộp thêm 4.562,81 tỷ đồng, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) phải nộp thêm 758,35 tỷ đồng, Tổng công ty bia rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) phải nộp thêm 210,3 tỷ đồng, Công ty Thông tin Di động Việt Nam (Mobifone) phải nộp thêm 201 tỷ đồng, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) phải nộp thêm 128,3 tỷ đồng, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phải nộp thêm 99,22 tỷ đồng…

Năm 2015, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty.

Đánh giá của KTNN cho biết, năm 2014, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo và còn nhiều bất ổn, biến động phức tạp. Kinh tế trong nước có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Trong khi đó yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao đã gây áp lực lớn cho sản xuất kinh doanh nên hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút. 5/38 tập đoàn, tổng công ty hoạt động thua lỗ. Cụ thể, Vinalines lỗ hơn 3.478 tỷ đồng, Tổng công ty 15 lỗ hơn 471 tỷ đồng, Vinaincon lỗ hơn 131 tỷ đồng, Tổng công ty Mía đường II lỗ hơn 15 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk lỗ 2,95 tỷ đồng.