“Nông quan” thất thủ

Không thể chấp nhận một đất nước nông nghiệp như Việt Nam lại có những sân thượng đầy thùng xốp trồng rau xanh và những chuyến xe liên tỉnh đầy gà, khoai, gạo mang từ quê ra…
(Hình ảnh minh họa)

Ở đâu đó ngành nông nghiệp vẫn hối hả các cuộc họp về thực phẩm bẩn, chất cấm cả năm nay mà chưa đưa ra được tiêu chí thế nào là “bẩn – sạch”, chưa có giải pháp gì để toàn bộ nông dân muốn sản xuất thiếu an toàn cũng không thể được.

Dưới cánh đồng, hàng chục triệu nông dân vẫn lầm lũi nuôi trồng, thu hái. Tiểu thương vẫn bán và người tiêu dùng vẫn ăn. Dân không ế một con gà nào, không ế một cọng rau nào. Không một con heo nào phải vứt đi vì nghi nuôi bằng chất cấm. Cứ như hoạt động quản lý và sản xuất là của hai quốc gia.

Các cuộc hội thảo về thực phẩm “tiền tấn” vẫn diễn ra trong phòng khánh tiết 5 sao, 60 triệu nông dân không hề biết, tiểu thương chợ cóc không quan tâm. Hàng chục triệu người tiêu dùng vẫn đang mải miết chế biến thức ăn bằng những loại thực phẩm mà hàng chục năm nay họ vẫn mua về.

Đến nay trên thị trường nông dược, các chất cấm hầu như không còn. Thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu bệnh … đều của các nhà sản xuất được chứng nhận hợp quy. Nông dân ít nhiều đều được tập huấn và hiểu thế nào là sản xuất an toàn. Nhất là trong thời điểm này, thời tiết thuận lợi, dội chợ về rau, dồi dào về lợn, gà, vịt, cá … thì sản xuất thiếu an toàn cũng không cần thiết.

Vậy thực phẩm không an toàn là ở đâu? Cơ quan nào kiểm tra? Cơ quan nào công bố? Bẩn ở khâu nào? Tác hại của nó ra sao? Người ta cứ làm um lên vì thực phẩm bẩn tràn lan là có ý gì? Chống lại ai và hỗ trợ cho ai?

Sản xuất an toàn không hề khó và cũng không hề đắt. Đừng mang một vài hình thức canh tác có tính giáo dục cộng đồng ra làm tiêu chí về nông sản an toàn. Với đặc điểm ruộng đất manh mún như ở Việt Nam, sản xuất nhỏ lẻ là không tránh khỏi. Có liên kết được nông hộ thì mối liên kết này cũng không bền vững và không phải là yếu tố giảm giá bán ra do không áp dụng được khoa học kỹ thuật cho sản xuất lớn. Giá nông sản an toàn cao là do khâu vận chuyển và phân phối kia kìa.

Trong rất nhiều dự án mà ngành nông nghiệp triển khai, không có dự án nào đưa cán bộ KHKT đến với nông dân. Ngành kế hoạch đầu tư chưa dám bước ra khỏi văn phòng mang cơ chế thông thoáng về thành lập HTX đến tận đầu bờ cho bà con. Ngành bảo vệ thực vật chưa từng có kế hoạch “xỏ ủng đến tận ruộng” hướng dẫn bà con sử dụng thuốc đúng chủng loại và cách ly đúng thời gian. Ngành thú y chưa hề có chủ trương cử cán bộ đến với người chăn nuôi để hướng dẫn, kiểm soát quy trình vệ sinh kiểm soát thú y… Tất cả chỉ mới dừng lại ở ban hành quy định, hội họp và lên kế hoạch… phạt.

Sự đòi hỏi của một bộ phận người tiêu dùng về quyền được sử dụng thực phẩm ăn toàn là chính đáng. Chính đáng hơn nữa là nhu cầu tự cung tự cấp của một bộ phận gia đình có con em sinh sống làm ăn ở thành phố có vườn ao nuôi trồng ở quê vẫn chuyển thực phẩm lên mỗi tuần.

Về lâu dài, một đất nước nông nghiệp không thể chấp nhận những sân thượng đầy thùng xốp trồng rau xanh và những chuyến xe liên tỉnh đầy gà, khoai, gạo. Các nhà quản lý cần coi đây là sự thất thủ của “nông quan” trước sự nhẫn nại thích ứng bất đắc dĩ của những người nông dân cơ cực.

(theo infonet.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *