Kinh tế tư nhân bị cản trở vì đâu?

Posted on Tin tức 303 Views

Năng lực điều hành hạn chế của doanh nghiệp và bất bình đẳng, sợ chệch hướng XHCN của hệ thống quản lý khiến KTTN kìm hãm.

Theo NGƯT.GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), kinh tế tư nhân (KTTN) bị kìm hãm bởi hạn chế về năng lực quản lý điều hành và sự bất cập của quản lý nhà nước trong tạo điều kiện cho phát triển.

Xem xét một cách tổng quát, vai trò động lực phát triển kinh tế – xã hội của KTTN thể hiện trên những mặt chủ yếu ở việc trực tiếp tạo ra khối lượng của cải vật chất to lớn đáp ứng nhu cầu trong nước, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Doanh nghiệp tư nhân là lực lượng chủ yếu tạo việc làm cho người lao động và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội trong quá trình phát triển; đóng góp phần quan trọng vào thu ngân sách nhà nước và tác động đến việc điều chỉnh phân bổ các nguồn lực theo yêu cầu bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội.

KTTN tạo áp lực thúc đẩy đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế và thúc đẩy cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

Kinh te tu nhan bi can tro vi dau?

Diễn đàn khoa học về KTTN tại LHH VN. Ảnh: Tri thức & Phát triển

Trong thực tiễn lịch sử, quá trình phát triển nhận thức về vai trò động lực của KTTN trước khi thực hiện công cuộc Đổi mới (trước 1986) là gắn với sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất được coi là bộ phận kinh tế “phi xã hội chủ nghĩa” và là đối tượng của “cải tạo xã hội chủ nghĩa”.

Tới Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) thừa nhận KTTN là một thành phần trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và yêu cầu “cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn với các bộ phận của thành phần kinh tế này”.

Tại Đại hội Đảng lần thứ X (2006) xác định “KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”.

Đại hội Đảng lần thứ XII (2016) xác định “…KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế…”.

Theo đó, trong cả một quá trình dài gần 30 năm kể từ khi thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958), KTTN bị coi là đối nghịch với kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đến khi thực hiện công cuộc đổi mới (1986), KTTN mới được thừa nhận là một bộ phận hợp thành nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhưng vẫn với tư duy “vừa sử dụng, vừa cải tạo”.

Sau 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đến năm 2006, kinh tế tư nhân mới được xác định là một động lực phát triển. Đến 10 năm sau (2016), vai trò của KTTN được nâng lên là “động lực quan trọng của nền kinh tế”. Điều đó được coi là một bước tiến trong nhận thức. Nhưng bước tiến này mất khoảng thời gian khá dài với hệ lụy là nguồn lực to lớn trong nước không được huy động phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội.

GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn cho rằng, từ khi được thừa nhận là một thành phần trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, sự phát triển mạnh mẽ và liên tục của KTTN đã huy động được nguồn lực tài chính to lớn trong nước vào đầu tư phát triển, tạo thêm nhiều việc làm mới, đóng góp ngày càng lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước…

Hai yếu tố kìm hãm KTTN

Tuy nhiên, vai trò của KTTN chưa được phát huy đầy đủ do 2 yếu tố cơ bản cản trở từ chính bản thân kinh tế tư nhân và từ bất cập trong quản lý nhà nước với KTTN.

Thứ nhất, cản trở từ bản thân KTTN

Nội lực là yếu tố cơ bản bảo đảm sự phát triển mạnh, có hiệu quả và bền vững của bản thân các doanh nghiệp thuộc thành phần KTTN và phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nội lực của KTTN nước ta còn thấp kém đang là một trong những cản trở lớn với việc phát huy vai trò của thành phần kinh tế này.

Các loại hình doanh nghiệp thuộc KTTN ở nước ta hiện nay chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp “siêu nhỏ” với sự hạn chế về nguồn lực tài chính, trang bị công nghệ và khả năng đổi mới, sáng tạo.

Kinh te tu nhan bi can tro vi dau?
Doanh nghiệp “Siêu nhỏ” cực nhiều.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, trong tổng số 402.326 doanh nghiệp có 388.232 doanh nghiệp ngoài nhà nước (trong nước), chiếm tới 96,5%. Trong số này, 210.882 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỉ đồng, chiếm tới 52,42% tổng số doanh nghiệp, chỉ có 5.161 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 200 tỉ đồng, chiếm 1,28%. Xét theo quy mô lao động, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước (trong nước) sử dụng dưới 9 lao động là 298.903 đơn vị, chiếm 66,84%, số doanh nghiệp sử dụng từ 200 lao động trở lên là 4.614 đơn vị, chiếm 1,15%.

Sự hạn chế về nguồn lực gắn liền với sự hạn chế về trang bị công nghệ và khả năng đổi mới công nghệ. Năm 2014, trong khi chiếm tới 96,5% tổng số doanh nghiệp, thì giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính của các doanh nghiệp chỉ là 3.455,8 ngàn tỉ đồng, chiếm 40,9% tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính. Chỉ tiêu này của 49.222 doanh nghiệp tư nhân là 95,6 ngàn tỉ đồng, chiếm 1,13%, của 254.952 công ty trách nhiệm hữu hạn là 1.144,1 ngàn tỉ đồng, chiếm 13,54%, của 82.015 công ty cổ phần không có vốn nhà nước là 1.932,1 ngàn tỉ đồng, chiếm 22,86%.

Thiếu vốn kinh doanh là tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN. Trong khi việc tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại, hệ lụy tất yếu là năng lực cạnh tranh trên thị trường của đại bộ phận các doanh nghiệp này hiện đang hết sức thấp kém. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, đây là thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN.

Một điểm yếu khác của khu vực KTTN là sự hạn chế về năng lực quản lý điều hành. Số doanh nghiệp được quản lý một cách khoa học, như chú trọng xây dựng chiến lược kinh doanh làm cơ sở thực hiện các hoạt động đầu tư dài hạn, xây dựng và quảng bá thương hiệu nhằm xác lập vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần quy mô nhỏ, thường xử lý kinh doanh theo kiểu tình thế, kinh doanh ngắn hạn, thậm chí chụp giật, tìm kiếm lợi nhuận bằng nhiều thủ đoạn khác nhau (trốn thuế, lậu thuế, làm hàng nhái, hàng giả…)

Kinh te tu nhan bi can tro vi dau?
Doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào nền kinh tế chung rất lớn. Ảnh minh họa

Thứ hai là những bất cập trong quản lý nhà nước về kinh tế

Bất cập này thể hiện tập trung trong việc thực hiện các chức năng của quản lý nhà nước với KTTN theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Cụ thể là:

Trong việc thực hiện chức năng định hướng phát triển: Các cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương đã dành nhiều công sức, thời gian và tiền của cho công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch ngành. Nhưng các quy hoạch ấy chưa bảo đảm luận cứ khoa học, chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan, nên không phát huy được vai trò định hướng phát triển đầu tư và kinh doanh của các nhà đầu tư.

Trong việc thực hiện chức năng tạo môi trường: Dẫu Nhà nước có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển, nhưng hiện vẫn đang tồn tại hàng loạt yếu tố cản trở sự phát triển KTTN Đó là: tình trạng phân biệt đối xử và bất bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành dẫn đến tồn tại “khoảng trống pháp luật”; các cân đối vĩ mô (cán cân ngân sách, cán cân thương mại…) chứa đựng những yếu tố bất ổn định; sự chậm trễ và kém hiệu quả trong việc giải tỏa “các điểm nghẽn phát triển”…

Trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát:

Còn lúng túng trong việc thực hiện kết hợp giữa “tiền kiểm” và “hậu kiểm” trong cấp đăng ký kinh doanh và kiểm soát hoạt động của các loại hình doanh nghiệp tư nhân. Thiếu sự phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp, gây cản trở hoạt động bình thường của các doanh nghiệp…

Cũng cần phải nói thêm một cản trở khác đang tồn tại trong tư duy. Đó là sự e ngại chệch hướng xã hội chủ nghĩa khi thực hiện chủ trương cho phép phát triển KTTN không hạn chế về quy mô trong những ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Sự e ngại này dẫn đến cơ chế, chính sách lúc mở, lúc thắt, các hành vi ngăn cấm, thậm chí hình sự hóa hoạt động kinh tế thông thường, không tạo môi trường ổn định cho phát triển KTTN.

Làm gì với KTTN?

Để giải quyết các tồn đọng này, GS. TS. Nguyễn Kế Tuấn đã đưa ra một số giải pháp.

Về nguyên lý, việc gia tăng nội lực của khu vực kinh tế tư nhân phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính các chủ thể kinh doanh tư nhân. Nhưng sự nỗ lực ấy sẽ không mang lại kết quả mong muốn nếu vấp phải những khó khăn từ sự yếu kém, bất cập trong quản lý nhà nước về kinh tế. Bởi vậy, để phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân phải thực hiện đồng bộ các biện pháp từ cả phía các nhà kinh doanh tư nhân và phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Giải pháp về phía khu vực KTTN

Việc nâng cao nội lực là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, vấn đề lại không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều” khi nội lực của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp kém.

Theo GS.TS. Tuấn, từng doanh nghiệp cần xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, hoạt động của mình đang và sẽ đầu tư, điểm mạnh, điểm yếu, tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng. Đồng thời, xem xét khả năng chuyển dần chất lượng cạnh tranh giá rẻ sang các chất lượng khác như khác biệt sản phẩm, chọn các thị trường ngách…

Kinh te tu nhan bi can tro vi dau?
DNTN hãy chọn thị trường ngách. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, thiết lập và mở rộng quan hệ liên kết với nhau và với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Thực hiện điều này vừa để phát huy lợi thế và khắc phục yếu thế vốn có của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực KTTN nước ta, vừa là cách thức tham gia từng bước vào cuối giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.

Nâng cao năng lực quản trị phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường theo hướng hiện đại. Học tập tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ ở các làng nghề Nhật Bản: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương – (Think globally, act locally”).

Kết hợp hợp lý giữa lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài, lợi ích của từng chủ thể riêng biệt với lợi ích của xã hội trong việc thực hiện hoạt động đầu tư – kinh doanh và trong sử dụng lợi nhuận kinh doanh.

Giải pháp về phía quản lý nhà nước

Việc thực hiện thực chất và có hiệu quả đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế theo hướng xây dựng “Nhà nước kiến tạo phát triển” và “Chính phủ liêm chính” sẽ là một yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong khuôn khổ đổi mới ấy, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và đúng hướng KTTTN, đổi mới các chức năng của quản lý nhà nước về kinh tế, theo GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn cần phải chú trọng tới một số vấn đề:

Đầu tiên là cần phát huy vai trò của Nhà nước trong việc định hướng phát triển đầu tư và kinh doanh của các chủ thể KTTN. Sự định hướng rõ ràng, ổn định và có đủ độ tin cậy là một trong những cơ sở để huy động các nguồn lực từ các chủ thể kinh tế thuộc các thành phần kinh tế tư nhân vào đầu tư phát triển, đưa hoạt động đầu tư – kinh doanh của họ góp phần thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu chung của toàn bộ nền kinh tế. Bởi lẽ, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước là một trong những cơ sở quan trọng để xác định chiến lược đầu tư – kinh doanh và yên tâm thực hiện hoạt động đầu tư – kinh doanh lâu dài.

Để phát huy vai trò định hướng phát triển đầu tư và kinh doanh, có hai điểm cơ bản cần được chú ý:

Một là, nâng cao chất lượng các chiến lược và quy hoạch phát triển. Đổi mới nội dung của các chiến lược và quy hoạch được xây dựng. Phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường và sự phát triển của KH-CN, chiến lược và quy hoạch phát triển ngành và vùng lãnh thổ cần quan tâm phân tích đánh giá khoa học và chính xác các điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội và thách thức, dự báo có cơ sở khoa học các xu hướng phát triển của thị trường và của khoa học công nghệ để đưa ra những định hướng chung về sự phát triển và những điều kiện cơ bản cần bảo đảm để thực hiện định hướng phát triển ấy. Nhà nước dựa vào chiến lược và quy hoạch này để xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành và từng vùng lãnh thổ.

Trong chiến lược và quy hoạch phát triển, cần thể hiện định hướng phân vai các thành phần kinh tế trong thực hiện đầu tư phát triển. Tinh thần chung là: kinh tế nhà nước sẽ tập trung vào đầu tư phát triển các yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng, các ngành và lĩnh vực liên quan trực tiếp đến an ninh – quốc phòng; các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước sẽ được phát triển không hạn chế trong các ngành, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa thông thường, tham gia cùng nhà nước trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển các ngành, các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

Hai là, xây dựng các các chính sách kinh tế vĩ mô trên cơ sở các định hướng phát triển đã xác định trong chiến lược và quy hoạch phát triển.

Để hiện thực hóa định hướng phát triển kinh tế, Nhà nước cần ban hành và chỉ đạo thực thi hàng loạt chính sách kinh tế vĩ mô theo tinh thần tạo ra những kích thích để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào những lĩnh vực và những vùng lãnh thổ mà Nhà nước mong muốn.

Thứ hai, Nhà nước cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Để khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau đây:

Kinh te tu nhan bi can tro vi dau?
Doanh nghiệp tư nhân cần tạo điều kiện để bình đẳng.

 

Về cải thiện môi trường luật pháp:

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, luật pháp phải được coi là công cụ chủ yếu của Nhà nước trong quản lý kinh tế vĩ mô. Hành xử theo pháp luật không phải chỉ là nghĩa vụ của các đối tượng điều chỉnh của pháp luật, mà cũng là trách nhiệm của chính các cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ công chức nhà nước.

Tiến tới xây dựng hệ thống pháp luật kinh tế đồng bộ phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường. Điều chỉnh hệ thống luật pháp trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và các ràng buộc của các định chế kinh tế – tài chính quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Khuyến khích các chủ sở hữu đưa tài sản vào đầu tư – kinh doanh, bảo vệ các nhà đầu tư – kinh doanh bằng việc xây dựng và thực thi pháp luật về sở hữu, chế độ bảo vệ quyền tự do kinh doanh, pháp luật về hợp đồng, thương mại, cạnh tranh và chống độc quyền theo đúng định chế và tập quán thương mại quốc tế.

Coi trọng việc bảo đảm điều kiện thực thi pháp luật: nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật; bảo đảm mọi nhà kinh doanh đều có thể tiếp cận dễ dàng hệ thống pháp luật kinh tế; mở rộng dịch vụ tư vấn pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân, mọi tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội.

Về cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô

Điều chỉnh mô hình tăng trưởng, kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng với tăng trưởng theo chiều sâu, coi tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Trên cơ sở đó, điều chỉnh cơ cấu ngành và cơ cấu vùng kinh tế, điều chỉnh cơ cấu thị trường và cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh đầu tư bảo đảm các yếu tố về hạ tầng và nhân lực cho sự tăng trưởng cao, có hiệu quả và bền vững.

Hoàn thiện các chính sách kinh tế vĩ mô hướng tới tạo lập sự ổn định bền vững của các cân đối kinh tế vĩ mô, đặc biệt là cán cân thương mại, cán cân thanh toán. Tăng cường dự trữ quốc gia, tạo cho Nhà nước có một công cụ vật chất mạnh để đối phó một cách chủ động với những biến động kinh tế vĩ mô.

Thống nhất điều kiện kinh doanh và điều kiện tiếp cận các yếu tố sản xuất của các loại hình doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu khác nhau. Hoàn thiện cơ chế bình đẳng và không phân biệt hình thức sở hữu trong việc lựa chọn đối tượng được huy động tín dụng, được nhận sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước.

Về cải thiện môi trường chính trị – xã hội: Cần tạo sự đồng thuận xã hội trong quan điểm nhìn nhận và đánh giá vai trò của doanh nhân và nâng cao trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nghiệp. Từ đó, mỗi doanh nghiệp tự tạo sự ủng hộ của cộng đồng xã hội với hoạt động kinh doanh của mình.

GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn

(theo Baodatviet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *