Thổi giá – Hiệu ứng lòng tham

Posted on Tin tức 264 Views

Mới đây, Ủy ban CK và Hối đoái Hoa Kỳ (SEC) đã đình chỉ hoạt động giao dịch CP của NeuroMama, một công ty chẳng mấy ai biết tên tuổi nhưng có giá trị vốn hóa đạt đến 35 tỷ USD. NeuroMama tự giới thiệu mình giao dịch tại sàn Nasdaq, trong khi thực tế chỉ được mua bán trên thị trường OTC đầy những lỗ hổng.

Hoa Kỳ có EuroMama, Việt Nam có MTM

Thật đáng kinh ngạc khi NeuroMama tại Hoa Kỳ có quá nhiều nét tương đồng với… CTCP Mỏ và Xuất Nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM) tại Việt Nam. Hồi tháng 4, MTM có phiên giao dịch đầu tiên tại UPCoM với giá cao nhất lên đến 10.500 đồng/CP. Những ngày sau đó, CP này có khớp lệnh 3-4 triệu CP/phiên, hơn cả nhiều blue chip trên sàn. Tuy nhiên, đến ngày 20-6 HNX đã tạm ngừng giao dịch MTM để bảo vệ quyền lợi của NĐT do công ty này đã… ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

CP có bị làm giá hay không sẽ do các cơ quan quản lý thị trường, cơ quan điều tra kết luận là chuẩn xác nhất, nhưng chính lòng tham của NĐT cũng đã góp phần thổi giá CP.

NeuroMama giao dịch tại OTC, còn MTM giao dịch tại UPCoM, cũng không có nhiều yêu cầu về công bố thông tin. Trụ sở của NeuroMama ban đầu ở Nga, sau đó chuyển qua Mexico, còn trụ sở của MTM lại đặt ở một quán… bò né, sốt vang tại TP Vinh, Nghệ An. Tại Hoa Kỳ, EuroMama cũng không phải là trường hợp duy nhất và người ta đặt vấn đề về khả năng kiểm soát của SEC đối với những công ty như vậy. Còn tại Việt Nam, cũng không ít ý kiến thắc mắc về trách nhiệm của cơ quan quản lý liên quan đến việc MTM lên sàn rồi sau đó “bốc hơi”, giá CP từ hơn 10.000 đồng/CP chỉ còn chưa đến 3.000 đồng/CP.

Hãy thử lấy một thí dụ, một nhóm NĐT nào đó thành lập Công ty A và sử dụng các thủ thuật để có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tương đương 100 triệu CP lưu hành, nhưng CP này có rất ít giao dịch. Bỗng chốc có một vài giao dịch CP A tại OTC với giá 11.0, xét theo cách tính vốn hóa bằng thị giá CP nhân số lượng CP lưu hành, vốn hóa của A lên đến 11.000 tỷ đồng, xấp xỉ… 500 triệu USD. Chẳng biết ai mua A, nhưng A cứ công bố có giao dịch và tự thổi giá của mình lên 500 triệu USD, và đây có thể là cách thức NeuroMama đã làm.

Mấu chốt của vấn đề có lẽ nằm ở chuyện không biết giao dịch thế nào. Đã có những NĐT mua vào MTM với lý do đơn giản là thấy CP này khớp khủng với hàng triệu CP mỗi phiên, báo cáo tài chính (BCTC) nhìn thấy “được được”, thậm chí có khi còn… không xem và cuối cùng lãnh quả đắng. Về mặt quy mô của MTM, tại mức giá hơn 1.0 vốn hóa của công ty này chỉ hơn 310 tỷ đồng, tương đương với 14 triệu USD, chưa lên đến 35 tỷ USD như EuroMama. Nhưng quy mô của TTCK Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều so với TTCK Hoa Kỳ, nên có thể nói MTM chỉ thua về mặt số học chứ còn đẳng cấp, và mức độ “nhà nghề” cũng chẳng kém gì EuroMama.

Lòng tham: Cơ hội và cạm bẫy

Những câu chuyện như EuroMama, MTM không phải là đầu tiên và có lẽ cũng không phải những trường hợp cuối cùng trên TTCK. Nhưng tại sao một TTCK hàng đầu như Hoa Kỳ, hoặc ngay cả TTCK Việt Nam cũng đã có 16 năm hoạt động vẫn có thể xuất hiện. Nguyên nhân khá đơn giản, đó là lòng tham và nhu cầu ở một số phân khúc NĐT nào đó vẫn tạo cơ hội các trường hợp như vậy xuất hiện. Một trong những nguyên tắc để mua CP đầu cơ là mua nhanh, chạy nhanh và ai cũng nghĩ rằng vẫn còn cơ hội, mình sẽ chạy trước người khác. Lòng tham có thể khiến người chơi, hay NĐT mất đi sự tỉnh táo và tất nhiên giao dịch cũng không chuẩn xác. Tất nhiên, vẫn sẽ có những trường hợp thành công, nhưng quả đắng là không ít.

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LONG THANH

Cách đây 1 năm, DRH chỉ có giá khoảng 6.000-7.000 đồng/CP nhưng hồi giữa tháng 7 vừa rồi đã có phiên vượt mốc 80.000 đồng/CP. DRH vốn dĩ là công ty bất động sản chưa để lại nhiều dấu ấn, lên sàn năm 2010 và cứ “lặng lẽ” cho đến năm ngoái đón nhận một nhóm cổ đông mới tham gia với những kỳ vọng về tái cấu trúc, thay đổi diện mạo. Nhưng bất động sản không phải là một ngành có thể tạo ra dấu ấn chỉ trong thời gian ngắn, có xây biệt thự, chung cư đem bán cũng phải có thời điểm, tiến độ cụ thể, muốn đốt cháy cũng không được. DRH đã tăng vốn, đã công bố những kết quả kinh doanh tốt hơn trước. Tuy nhiên, nhìn vào tốc độ tăng giá của CP này, người ta có thể tự hỏi rằng phải chăng kỳ vọng đã đẩy giá DRH tăng quá nhanh so với sự thay đổi trong hiện thực.

Kỳ vọng thị thường tươi sáng, lạc quan, nhưng kỳ vọng cũng phải dựa trên thực tại, vậy nên ngoài kỳ vọng phải chăng còn có cả lòng tham? Ngày 19-8 vừa qua, DRH đã thủng luôn cả mức 2.0 để giảm sàn về còn 19.100 đồng/CP, và đây là phiên sàn thứ 15 trong 20 phiên gần nhất. TTCK vốn đa dạng về dòng tiền, cách suy nghĩ, chiến thuật giao dịch. Có người mua CP để đầu tư giá trị, nhưng cũng có người thích đầu cơ. Vậy nên nếu có suy nghĩ DRH tăng vì kỳ vọng, cũng có người đặt vấn đề DRH tăng vì lòng tham, nghĩa là DRH đã tăng, tạo ra sự hấp dẫn, người này vào với hy vọng sẽ ra sớm, rồi người khác cũng như vậy, cứ tuần tự xuất hiện, mua chỉ bởi CP có khả năng tăng giá (bỏ qua khả năng giảm giá sâu như hiện nay). Nhìn ở góc độ này, mua DRH cũng có khác gì mua MTM hay… EuroMama bên Hoa Kỳ đâu. Vậy mới nói, chuyện thổi giá CP ta chẳng hề thua Tây.

(theo saigondautu.com.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *